Viêm lộ tuyến khi mang thai có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Viêm lộ tuyến cổ tử cung luôn là nỗi ám ảnh của chị em phụ nữ, đặc biệt đối với mẹ bầu còn lo lắng liệu bệnh có ảnh hưởng gì tới thai nhi hay không? Các chuyên gia và bác sĩ khuyến cáo viêm lộ tuyến cổ tử cung gây khó chịu cho người mẹ, nếu để lâu còn ảnh hưởng xấu tới thai nhi. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ những nguy hiểm, cách điều trị và cách phòng tránh viêm lộ tuyến cổ tử cung để mẹ có có một thai kỳ khỏe mạnh đón con yêu chào đời.
Viêm lộ tuyến cổ tử cung khi mang thai là gì?
Viêm lộ tuyến cổ tử cung là tình trạng bị viêm nhiễm, lở loét do sự tác động của vi khuẩn, nấm hay virus và các tác nhân gây bệnh khác dẫn tới hệ quả là các biểu mô trụ nằm ở trong kênh cổ tử cung bị lộn ra bề mặt cổ ngoài cổ tử cung.
Viêm lộ tuyến có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, bất kỳ đối tượng nào bao gồm cả phụ nữ mang thai. Viêm lộ tuyến cổ tử cung khi mang thai thường xảy ra ở giai đoạn 3 tháng đầu hoặc 3 tháng cuối thai kỳ. Do đó, trong các giai đoạn này, người phụ nữ phải luôn chú ý đến các vấn đề của vùng kín để phát hiện kịp thời những biểu hiện bất thường và có hướng xử lý.
Nguyên nhân khiến bà bầu bị viêm lộ tuyến cổ tử cung

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bà bầu bị viêm lộ tuyến cổ tử cung. Mỗi người lại có nguyên nhân riêng và mức độ bệnh khác nhau. Bên cạnh những nguyên nhân thông thường, ở mẹ bầu còn vài nguyên nhân đặc biệt gây nên viêm lộ tuyến do bên trong cơ thể mẹ có nhiều thay đổi kể từ khi mang thai.
Dưới đây là một số nguyên nhân chính khiến bà bầu bị viêm lộ tuyến cổ tử cung:
- Quan hệ tình dục không an toàn
- Nội tiết tố bên trong cơ thể mẹ thay đổi, nồng độ estrogen tăng cao, tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm và các tác nhân gây bệnh phát triển mạnh
- Mẹ chưa vệ sinh vùng kín sạch sẽ và đúng cách, nhất là khi trong quá trình mang thai dịch âm đạo thường ra nhiều khiến vùng kín thường xuyên ẩm ướt
- Những phụ nữ có tiền sử sinh non, nạo phá thai nhưng không được chăm sóc kỹ sẽ có nguy cơ mắc viêm lộ tuyến cổ tử cung cao hơn những người phụ nữ khác
- Trước khi mang thai, mẹ bầu đã bị viêm nhiễm phụ khoa nhưng chưa được điều trị triệt để
- Mẹ thường xuyên mặc đồ lót bó sát, không thấm hút tốt
- Việc lạm dụng dung dịch vệ sinh không đảm bảo khiến độ cân bằng pH âm đạo thay đổi, tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh sinh sôi, phát triển mạnh
Dù là vì nguyên nhân nào mẹ cũng nên quan sát kỹ những thay đổi của cơ thể để tìm được biện pháp xử trí kịp thời, bảo vệ sức khỏe.
Triệu chứng viêm lộ tuyến cổ tử cung khi mang thai
Thông thường viêm lộ tuyến cổ tử cung có các dấu hiệu như:
- Khí hư nhiều, có màu và mùi bất thường (trắng đục, xanh, vàng, sủi bọt, mùi hôi tanh khó chịu);
- Vùng kín ngứa rát, đau bụng dưới;
- Tiểu són, tiểu dắt, cảm giác buốt khi đi tiểu;
- Đau và có thể chảy máu khi quan hệ tình dục, có thể thấy xuất huyết âm đạo bất thường.
Khi gặp các triệu chứng đó, mẹ bầu cần thăm khám bác sĩ Sản khoa ngay để xác định nguyên nhân và có hướng điều trị kịp thời.
Viêm lộ tuyến khi mang thai ảnh hưởng đến sức khỏe thai phụ và thai nhi
Viêm lộ tuyến tử cung là một căn bệnh lành tính. Do đó, nếu phụ nữ mang thai được chữa trị kịp thời sẽ không nguy hiểm đến người mẹ hay thai nhi. Nhưng ngược lại, nếu không được chữa trị kịp thời thì căn bệnh này sẽ gây hại cho cả mẹ và bé.
Ảnh hưởng đến thai phụ
Mang thai bị viêm lộ tuyến cổ tử cung thì dịch âm đạo tiết ra nhiều hơn khiến cho vùng kín luôn ẩm ướt, khó chịu. Tình trạng này để lâu sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm phụ khoa như: viêm âm đạo – âm hộ, viêm cổ tử cung, viêm nội mạc tử cung, nguy hiểm hơn là ung thư cổ tử cung. Cổ tử cung mất đi tính đàn hồi vốn có, khiến việc sinh nở trở nên khó khăn.
Ngoài ra, bệnh này còn khiến chị em mệt mỏi, suy giảm sức khỏe, ngứa ngáy khó chịu, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và công việc. Nếu không chữa trị kịp thời mẹ sẽ không đủ sức khỏe để nuôi dưỡng thai nhi.
Ảnh hưởng đến thai nhi
Khi thai phụ vị viêm lộ tuyến cổ tử cung kết hợp cùng viêm âm đạo, cổ tử cung bị sưng đỏ, nếu không điều trị sớm tử cung có thể bị bít, tắc nghẽn sẽ gây sảy thai hoặc sinh non.
Bên cạnh đó, viêm nhiễm ở âm đạo, tử cung do vi khuẩn gây nên còn có thể gây bệnh trực tiếp cho trẻ trong quá trình sinh nở (sinh thường) hoặc viêm nhiễm nhau thai cũng sẽ khiến trẻ bị nhiễm các bệnh về mắt, về da, về đường hô hấp…
Điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung khi mang thai như thế nào?

Nếu mẹ phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào ở vùng kín và cơ thể như đau rát vùng kín, xuất huyết âm đạo, đau vùng bụng dưới… mẹ nên đi khám càng sớm càng tốt để được bác sĩ chẩn đoán sớm và đưa ra hướng điều trị kịp thời, giúp khỏi bệnh nhanh hơn và ít biến chứng hơn.
Khi các mẹ mang thai bị viêm cổ tử cung, thường các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng phương pháp nội khoa, dùng thuốc là chủ yếu, có thể kết hợp giữa thuốc kháng sinh uống và thuốc đặt để tăng hiệu quả điều trị. Tuy nhiên các mẹ cần nhớ, chỉ dùng thuốc sau khi đã đi khám và được bác sĩ chỉ định. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc dùng.
Thực tế, nhiều mẹ bầu lo tác dụng phụ của thuốc sẽ ảnh hưởng đến thai nhi nên chần chừ không đi thăm khám và điều trị. Điều này rất nguy hiểm bởi sẽ khiến bệnh thêm nặng và ảnh hưởng không tốt tới thai nhi.
Biện pháp phòng ngừa viêm lộ tuyến cổ tử cung khi mang thai
Thay vì để khi có bệnh mới lo cách chữa trị, mẹ bầu nên áp dụng những biện pháp dưới đây để phòng ngừa viêm lộ tuyến cổ tử cung:
- Đảm bảo vệ sinh vùng kín luôn sạch sẽ
- Nếu dùng dung dịch vệ sinh, hãy lựa chọn những sản phẩm phù hợp để không làm ảnh hưởng đến độ cân bằng pH tự nhiên của âm đạo
- Nếu mắc các bệnh phụ khoa trước khi mang thai thì nên điều trị triệt để rồi sau đó hãy mang thai
- Quan hệ tình dục an toàn
- Khi có bất cứ biểu hiện bất thường nào về vùng kín, cần đi khám bác sĩ ngay, không nên tự ý mua thuốc về dùng hay áp dụng các biện pháp dân gian chưa được kiểm chứng.
Theo lời khuyên từ các chuyên gia, khi có kế hoạch mang thai, chị em nên thăm khám phụ khoa để điều trị trước nếu mắc bệnh nhằm đảm bảo cho thai kỳ khỏe mạnh, an toàn.
Viêm lộ tuyến cổ tử cung có thể được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau nhưng do khi mang thai còn liên quan đến sức khỏe thai nhi nên cần phải thăm khám kỹ và cân nhắc trước khi lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Hãy đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn, khám, chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị tối ưu nhất.