Bạn là Bác Sĩ, muốn tham gia cộng đồng bác sĩ? Đăng ký tại đây.
Health Ung thư cổ tử cung

Cảnh báo 7 dấu hiệu ung thư cổ tử cung dễ nhận biết

Cảnh báo 7 dấu hiệu ung thư cổ tử cung dễ nhận biết

Dấu hiệu ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu có thể không rõ ràng. Trong giai đoạn tiến xa, các triệu chứng của bệnh có thể bao gồm chảy máu, tiết dịch âm đạo bất thường, đau bụng, đau lưng,…

Ung thư cổ tử cung là gì?

Ung thư cổ tử cung là ung thư phát triển từ các tế bào bất thường tại cổ tử cung. Về mặt giải phẫu học, cổ tử cung là phần dưới của tử cung, được nối với âm đạo ở phía dưới và với tử cung ở phía trên.

Tất cả phụ nữ đều có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung, đặc biệt ở những phụ nữ trên 30 tuổi.

Dấu hiệu ung thư cổ tử cung thường gặp

Triệu chứng ung thư cổ tử cung
Triệu chứng ung thư cổ tử cung

Ở giai đoạn sớm, người bệnh ung thư cổ tư cung thường không có biểu hiện hay triệu chứng cụ thể. Khi bệnh ở giai đoạn tiến xa, các triệu chứng bắt đầu xuất hiện rõ hơn do khối u phát triển tại chỗ gây ảnh hưởng tới các cơ quan xung quanh, cũng như di căn xa tới các cơ quan khác trong cơ thể.

Các biểu hiện ung thư cổ tử cung có thể là:

  • Các dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư cổ tử cung: Ra máu và tiết dịch âm đạo bất thường, đau và chảy máu khi quan hệ tình dục.
  • Các dấu hiệu khi bệnh ở giai đoạn tiến xa: đau vùng chậu, đau lưng, phù chân và đau nhức chân, mệt mỏi, sụt cân, rò phân/nước tiểu qua ngả âm đạo, gãy xương,…

Xuất huyết âm đạo bất thường

Một trong những dấu hiệu báo động ung thư cổ tử cung là xuất huyết âm đạo bất thường và đây cũng là triệu chứng thường gặp nhất. Xuất huyết âm đạo thường được chia làm hai loại là có tính chu kỳ (hay còn gọi là kinh nguyệt) và không có tính chu kỳ. Tất cả các trường hợp ra máu âm đạo không liên quan kỳ kinh đều là bất thường. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp ra máu âm đạo liên quan đến kỳ kinh đều là bình thường. Nếu trong lúc hành kinh xuất hiện các bất thường về lượng hay tính chất máu kinh thì cũng được xem là xuất huyết âm đạo bất thường.

Khi gặp phải tình trạng xuất huyết âm đạo bất thường, bạn nên đến thăm khám tại các cơ sở y tế. Khi đó, bác sĩ sẽ thăm khám phụ khoa để tìm nguồn gốc máu chảy và xác định nguyên nhân.

Dịch âm đạo tiết ra bất thường

Trong trường hợp dịch âm đạo tiết ra nhiều bất thường, màu sắc lạ (màu vàng, xanh như mủ hoặc lẫn máu) và có mùi khó chịu… thì rất có thể đó là dấu hiệu của bệnh ung thư cổ tử cung .

Tuy nhiên, những bệnh lý khác ở “vùng kín” như viêm nhiễm phần phụ cũng có thể gây ra xuất tiết dịch âm đạo bất thường. Vì vậy, bạn phải đi khám phụ khoa mới có thể xác định được nguyên nhân chính xác nhất.

Đau hoặc chảy máu sau khi quan hệ

Bạn có thể đau, chảy máu ít sau khi quan hệ tình dục. Tuy nhiên, nếu cảm giác đau hoặc chảy máu nhiều, kéo dài sau khi quan hệ xảy ra thường xuyên thì đó có thể là một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Bạn nên đi kiểm tra xét nghiệm sớm khi thấy dấu hiệu này.

Đau vùng bụng dưới

Cùng với xuất huyết bất thường ở âm đạo, các bác sĩ ung bướu cho biết đau vùng bụng dưới cũng là một trong những dấu hiệu khả nghi nhất của ung thư cổ tử cung, đặc biệt chú ý nếu bị đau mà không liên quan đến kỳ kinh. Trong ung thư cổ tử cung giai đoạn bệnh tiến xa, khi bướu cổ tử cung chèn ép các cấu trúc xung quanh có thể gây cho người bệnh mắc phải “tam chứng bi thảm” bao gồm đau vùng bụng dưới, bí tiểu và phù chân.

Thiếu máu, sụt cân không rõ nguyên nhân

Thiếu máu có thể xảy ra với bất kỳ bệnh ung thư do tình trạng viêm mạn tính, giảm sản xuất erythropoietin và giảm chuyển hóa sắt; đặc biệt đối với bệnh ung thư cổ tử cung, thiếu máu có thể nặng nề hơn khi kèm theo tình trạng ra huyết âm đạo kéo dài. Thiếu máu thường xuyên khiến cho người bệnh cảm thấy mệt mỏi và cạn kiệt năng lượng. Ngoài ra, giảm cân không rõ nguyên nhân và mất cảm giác ngon miệng cũng là các triệu chứng thường gặp của người bệnh ung thư.

Tiểu không kiểm soát

Khối u ở tử cung hoặc sự chèn ép của u có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến chức năng của lưu thông đường ruột và đường tiểu, từ đó làm thay đổi thói quen đại tiện – tiểu tiện của người bệnh. Người bệnh có thể bị rối loạn đại tiện như tiêu chảy, táo bón hoặc tiêu chảy xen kẽ táo bón,… hoặc gặp tình trạng tiểu không kiểm soát như đi tiểu thường xuyên, tiểu không tự chủ, tiểu buốt, tiểu rắt, dòng nước tiểu yếu, đôi lúc kèm máu…

Triệu chứng bất thường trong tiểu tiện rất nguy hiểm, vì nếu đúng là ung thư cổ tử cung thì có nghĩa các tế bào ung thư đã lan rộng ra các bộ phận khác, ngoài cổ tử cung.

Rối loạn kinh nguyệt

Ung thư cổ tử cung cũng có thể gây mất cân bằng hormone trong cơ thể, ảnh hưởng đến sự phát triển và rụng trứng, dẫn đến hiện tượng kinh nguyệt ra nhiều và kéo dài hơn bình thường, rong kinh, kinh nguyệt có màu đen sẫm. Chính thời gian, tần số hoặc thay đổi thói quen thường xuyên có thể liên quan đến nguy cơ ung thư cổ cung.

Các phương pháp phòng tránh ung thư cổ tử cung

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), điều quan trọng nhất có thể làm để giúp ngăn ngừa ung thư cổ tử cung là tiêm vắc xin dự phòng và làm các xét nghiệm tầm soát định kỳ.

Tầm soát phụ khoa định kỳ

10 dấu hiệu ung thư cổ tử cung cảnh báo trên có thể cảnh báo bạn đang mắc căn bệnh này ở giai đoạn muộn. Vì vậy, không nên chờ đến khi có triệu chứng mới thăm khám phụ khoa.

Các phương pháp sàng lọc ung thư cổ tử cung phổ biến là phết tế bào cổ tử cung (Pap smear), xét nghiệm HPV. Xét nghiệm Pap smear định kỳ có thể giúp tầm soát bệnh từ sớm để điều trị kịp thời, giảm nguy cơ bất thường tiến triển thành ung thư. Phụ nữ từ 21 – 29 tuổi được khuyến cáo thực hiện xét nghiệm Pap smear 3 năm/ 1 lần.

Phụ nữ từ 30 – 64 tuổi nên thực hiện đồng thời xét nghiệm Pap smear và xét nghiệm HPV 5 năm/ lần. Xét nghiệm HPV giúp phát hiện các trường hợp bệnh bị bỏ sót bởi xét nghiệm Pap smear, tăng tỷ lệ phát hiện bệnh từ sớm. Ngoài các mốc thời gian trên, nếu thấy xuất hiện bất kỳ biểu hiện bất thường nào, nên đến bệnh viện để thực hiện tầm soát ngay.

Chế độ sinh hoạt lành mạnh, an toàn

Ngoài 2 phương pháp trên, để không bị nhiễm virus HPV, trẻ gái và phụ nữ vẫn cần tạo thói quen sinh hoạt khỏe mạnh để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể, quan hệ tình dục an toàn, hạn chế sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp để phòng tránh bệnh. Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng để tăng cường đề kháng chống lại bệnh ung thư, phụ nữ nên bổ sung các thực phẩm giàu vitamin E, A, C giàu chất chống oxy hóa như nghệ, cà chua, cà rốt, trà xanh,… để giúp bảo vệ tế bào khỏi gốc tự do, ngăn ngừa ung thư.

Ung thư cổ tử cung có thể xảy ra với bất cứ ai, đừng quên lắng nghe những dấu hiệu ung thư cổ tử cung mà cơ thể đang “cầu cứu” để nắm giữ cơ hội vàng tăng tỷ lệ điều trị bệnh hiệu quả ở giai đoạn sớm, đảm bảo khả năng làm mẹ, giảm nguy cơ tử vong, chi phí điều trị và chất lượng cuộc sống.

Viết bình luận